YNghiTrongNgayXuan - DienHong

Go to content
NHỮNG Ý NGHĨ TRONG MẤY NGÀY XUÂN THA HƯƠNG
Việt Nam-Quê hương yêu dấu! Nơi tôi được sinh ra, lớn lên và trải qua ba phần tư “kiếp người;” nơi tôi được sống những ngày thơ ấu thần tiên trong tình cha, nghĩa mẹ; nơi tôi được cắp sách tới trường nghe thầy dậy những mẫu tự đầu tiên… Nơi tôi đã thi đậu, thi rớt; thành công, thất bại trên con đường “công danh sự nghiệp;” nơi mà một thời tuổi trẻ của tôi gắn liền với những cuộc biểu tình, xuống đường, hoan hô đả đảo… Nơi mà núi sông đẹp như những bài thơ nhưng trên đó, vô số chủ nghĩa, học thuyết được mang ra cổ vũ, hô hào, trắc nghiệm. Ngôn ngữ tuyên truyền phối hợp chặt chẽ với sắt thép, gây ra không biết bao nhiêu tai ương cho cả một dân tộc trong ròng rã mấy mươi năm trời...!

Việt Nam-Đất nước mến yêu! Nơi tôi từng cầm súng chiến đấu, bảo vệ lý tưởng tự do; thắng trận, thua trận; tù đầy, lao động khổ sai, đào kênh, móc cống làm đường; nông trường, công trường, kinh tế mới… Những buổi sáng đứng bán chợ trời, những buổi chiều ngồi quán café lo chạy “mánh!”… Rồi vượt biên, rồi “tìm đường cứu nước” trên những con thuyền mong manh như chiếc lá, giữa một đại dương tàn nhẫn, lạnh lùng; trước họng súng vô nhân, ác độc! Cứ mỗi lần thất bại là lại thêm một lần tù tội, đắng cay!!!

“Lòng nhân đạo” của những đồng minh ngày trước đã đưa tôi đến xứ sở này một cách… bình an vô sự; và quê hương Việt Nam giờ đây đã “ngàn trùng xa cách!”

Khi bên này là ngày thì bên đó là đêm, khi mọi người ở đây thức dậy để bắt đầu cho một ngày mới, thì nơi xa xăm kia mẹ, em, bạn bè thân thuộc và hàng triệu đồng bào tôi đắm chìm trong giấc ngủ dài. Khi ánh bình minh rực rỡ đến với vùng đất an bình này thì quê hương tôi ngập dần vào màn đêm tăm tối.

Nhưng, dù đã có một ngày đến được bến bờ tự do, dù đã đặt chân lên “miền đất hứa” (hay nói một cách dè dặt hơn, đến được nơi “đất lành chim đậu”); đất nước Hoa Kỳ mênh mông vô tận, đất nước Hoa Kỳ rực rỡ huy hoàng, đất nước Hoa Kỳ với nền văn minh tột đỉnh, với sức mạnh kinh hồn… vẫn không thể khiến cho tôi, dù là trong khoảng khắc, quên được rằng mình là một người Việt Nam. Có giây phút nào kể từ khi sống đời tỵ nạn, trên đất tạm dung, mà tôi không nghĩ đến, nhớ đến Việt Nam? Quê hương Việt Nam yêu dấu muôn đời! Nỗi nhớ không rời, không quên, không dứt bỏ được!

Thời gian vẫn trôi như đã lạnh lùng trôi tự bao giờ và cho đến bao giờ? Một cái Tết lại đến với tôi. Cái Tết tha hương đầu tiên trong đời. Cái Tết của một người Việt Nam trên đất nước Mỹ.

Chao ơi! Có nỗi buồn nào lớn hơn, thắm thía, ray rứt, “khó chịu” hơn nỗi buồn xa xứ giữa lúc Xuân về?! Cái Tết của những người Việt mất quê hương có còn đó chăng hay chỉ là một hoài niệm, một băn khoăn ray rứt; chỉ là nỗi nhớ nhung tha thiết về một… hồi đó, ngày trước, thuở xưa?!

Tôi nhớ lại những ngày còn ở trong quân ngũ, đời hải hồ đã có lúc đưa tôi đi lênh đênh trên khắp vùng biển rộng sông dài của Việt Nam. Có những đêm Giao thừa, những sáng Mùng Một cùng bạn bè, chiến hữu vui Tết giữa trùng khơi, trên hải đảo. Nỗi nhớ nhà, nhớ phố phường, nhớ bạn, nhớ người tình đã biến những ly rượu mừng Xuân thành rượu giải sầu và những cơn say không dứt… Nhưng dù ở tận Phú Quốc, Côn Sơn hay Hội An, Đà Nẵng, dù trong mấy ngày Xuân phải xa cách mái ấm gia đình, tôi vẫn được sống những giây phút giao niên thiêng liêng bên những đồng bào cùng được sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ ngày trước…

Giờ đây mọi sự đã đổi thay! Trên đất nước xa lạ này, giữa những con người “lạnh lùng” đến từ khắp mọi miền trên thế giới. Lạnh lùng vì sự khác biệt về mầu da, ngôn ngữ, phong tục; lạnh lùng vì địa vị không giống nhau mà mỗi người đạt được trên đất tạm dung và lạnh lùng vì sự chênh lệch trên số đô la kiếm được của từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng… Giữa mùa Đông băng giá của vùng Cực Bắc nước Mỹ, cái Tết đến như khơi thêm nỗi sầu viễn xứ, như gợi lại niềm đau của kiếp tha hương, như nhắc tới vô số kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ trên quê hương yên ổn, thanh bình (Nói cho “ngon lành” vậy chứ đất nước mình trong suốt mấy nghìn năm lịch sử đã có được một thuở thanh bình nào đúng nghĩa đâu?!)

Mấy người bạn cũ rủ tôi đi một vòng xem người Á Đông ở Boston sắm Tết. Đến một siêu thị Trung Hoa, ở đây không thiếu một thứ gì dành cho Tết: Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, mứt gừng, mứt bí… Những chậu tắc, những cành mai…Cứ nhắm mắt lại, đừng nhìn ra dòng xe cộ đang cuồn cuộn tuôn chảy trên khắp mọi nẻo đường, đừng nhìn lên những tòa cao ốc chọc trời nghênh ngang đồ sộ - biểu tượng của nền văn minh Hoa Kỳ - đang sừng sững vây quanh đám người lưu vong bé nhỏ, chúng ta sẽ tưởng, sẽ “mơ” rằng mình đang lạc vào một khu chợ Tết của vùng Chợ Lớn, SàiGòn…

Những người Á Đông ở thành phố này vẫn cố giữ truyền thống tốt đẹp của mình: duy trì cái Tết cổ truyền trên một đất nước có nền văn hóa phương Đông; dù Phố Tầu không phải là Chợ Lớn, dù Boston không thể là SàiGòn; dù ngoài kia, những đoàn xe vô tận đang vun vút lao đi như muốn cướp lấy từng mẫu vụn thời gian, để chạy theo cho kịp nhịp sống Mỹ; và dù cuộc sống Hoa Kỳ lúc nào cũng vội vàng, chụp giựt, máy móc, khô khan! Đêm Giao Thừa, thắp nén hương tưởng niệm tổ tiên mà thấy lòng bâng khuâng! Không biết lời khấn nguyện chân thành của tôi có vượt hết nửa quả địa cầu, đến với hồn thiêng sông núi, đến với anh linh của bao đấng anh hùng, đến với các bậc tiền nhân đã tự bao đời dựng nước? Đến với những bạn bè, chiến hữu của tôi đã ngã xuống trên ruộng đồng, trong rừng sâu, trong các trại “cải tạo”…




Hoặc xác thân đã rã tan dưới đáy mồ đại dương mênh mông…?! Trong giờ phút linh thiêng nhất của một năm, trên đất nước to lớn, hùng mạnh, văn minh và... lạnh lùng này, tôi bỗng thấy mình bé nhỏ, yếu đuối, cô đơn, thấp hèn, bạc nhược vô cùng trước vận nước điêu linh, trước lòng người điên đảo!!!
Tiếng pháo lẻ loi vọng lại từ một gia đình Việt Nam nào đó giữa đêm trừ tịch trên xứ người lại càng làm cho nỗi buồn viễn xứ trong tôi dâng cao hơn… Tôi nhắm mắt, hồi tưởng lại những đêm Xuân tưng bừng của thời thơ ấu, của tuổi hoa niên, của những ngày chưa mất quê hương… Và thấy lòng ngậm ngùi biết bao tiếc nhớ!!!

Sáng Mồng Một, trời đất nơi đây bỗng như muốn tỏ bầy sự cảm thông với khách tha hương! Một chút nắng xuân vươn lên nhè nhẹ từ cuối chân trời mà tối hôm trước, mang một mầu sám ngắt tê tái, lạnh lùng. Giữa nền tuyết trắng của Boston, tôi mơ về SàiGòn trong một buổi sáng đầu năm có gió xuân dịu hiền thổi đến từ những đồng ruộng xanh vùng ven đô, có mùi khói hương tỏa lan từ trong chánh điện của Chùa Xá Lợi, từ đỉnh trầm của Lăng Ông, có tiếng chuông ngân thánh thót của Vương Cung Thánh Đường báo giờ giáo dân đi lễ… Và, dĩ nhiên, không thể không nhớ đến những tràng pháo mừng xuân rộn rã khắp nơi khiến cho người người quên đi quá khứ khổ nhọc, nghĩ đến tương lai tươi sáng, quên hiềm khích, xóa hận thù; khiến cho ngày xuân trở thành ngày của xum họp, thương yêu, hòa bình, an lạc…

Điều khiến tôi ngạc nhiên và sung sướng là trong buổi Nguyên Đán, ở trên đất nước Hoa Kỳ, tôi vẫn có được cơ hội để tiếp tục công việc “truyền thống” của mình khi còn ở bên nhà: đi Chùa trong ngày đầu năm cùng với gia đình.

Chùa Việt Nam, với vị trí khá tốt, yên tĩnh, rộng rãi; chánh điện được thiết trí trang nghiêm, đẹp đẽ; Ban Hộ Tự nhiều nhiệt tình, hăng hái, một lòng phụng sự đạo pháp, là nơi lý tưởng để cho tôi và nhiều đồng hương ở thành phố này được tiếp tục sinh hoạt Phật sự thật thoải mái, bình an. Trong buổi khai Xuân, những người con Phật đã quây quần bên nhau để cầu nguyện cho quốc thới dân an, thế giới hòa bình, cho tà thuyết cộng sản sớm bị thiêu rụi bởi ngọn lửa từ bi, bác ái, công bằng… Từ Đàm, Tường Vân, Xá Lợi… như ở gần đâu đây trong mùi hương trầm thơm ngát và trên gương mặt thành khẩn của hàng trăm Phật giáo đồ đang quỳ trước đài sen.

Năm nay, Hội Diên Hồng tổ chức cho đồng hương ăn Tết ở “nhà thờ trắng” tại Dorchester. Dù những ngày đầu năm âm lịch không trùng với dịp nghỉ cuối tuần, vẫn có rất đông bà con đến tham dự. Mọi người như muốn tìm lại cảnh sum họp ngày xưa trên quê hương, muốn sống lại với bao kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ khi đất nước chưa rơi vào tay cộng sản. Và mọi người đến với nhau vì: Tết! Một chữ Tết đơn giản mà hàm chứa biết bao ý nghĩa, gợi lên biết bao hình ảnh, nhắc nhở biết bao tâm tình.

Bước vào hội trường, tôi ngẩn người khi nhìn thấy quang cảnh bầy ra trước mắt; trong khoảng khắc, tôi tưởng như mình đang đứng trên một phần đất nào đó của Việt Nam: tiếng nói Việt Nam, người Việt Nam, cụ già em bé Việt Nam, cờ Việt Nam, hoa đèn Việt Nam, hương khói Việt Nam…; câu đối đỏ, cành mai vàng, bánh chưng xanh. Một cái Tết Việt Nam thật sự trong không khí ấm cúng, thân tình đã được Diên Hồng tạo dựng giữa thủ phủ vùng New England vào lúc cuối Đông có băng tuyết phủ đầy.

Hồn thiêng sông núi như hiện hữu nơi đây khi lễ Tế Tổ bắt đầu; những đứa con yêu của Mẹ Việt Nam vẫn còn đây dù cho phải trải qua bao cơn sóng gió dập vùi; trên đất tạm dung, đang quay quần lại trong ngày đầu xuân để tỏ long tôn kính tiền nhân, ghi nhớ công ơn của bao đấng hùng anh, liệt sĩ và cùng nhau nguyện ước sẽ có một ngày về đón xuân trên đất Mẹ mến yêu giữa tiếng thanh bình ca thật sự.

“Toàn dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến…”

Tiếng hùng ca ngày nào trên đất Việt, giờ vang vọng nơi đây. Tôi thấy như mình được sống lại những ngày xanh: những buổi trình diễn văn nghệ “cây mùa xuân chiến sĩ” của trường tôi tại các tiền đồn, những đêm đốt lửa trại hát cộng đồng ca giữa núi đồi “Chí Linh,” “Vạn Kiếp,” “Vũng Tầu”… Những buổi sớm mai, dưới bóng quân kỳ, lồng ngực căng tràn hào khí thanh niên: …“Bao người con trai kiêu hùng cùng nhau tách bến…”

Sơn hà vẫn còn đang nguy biến dù cho cuộc chiến tranh – trên lý thuyết – đã chấm dứt từ 17 năm qua. “Tham vọng của một lũ điên” vẫn còn làm điên đảo biết bao người! Lời ca dâng lên như nhắc nhở rằng: đất nước chưa hề được thái bình thực sự, Việt Nam chưa hề có một ngày xuân!

Tôi thấy lòng ấm lại khi nhìn lên làn hương trầm nghi ngút bay trên bàn thờ tổ quốc, khi nghe lời thệ nguyện của những đứa con xa xứ đang thành khẩn dâng lên các đấng tiền nhân. Trong cái giá lạnh của miền cực Bắc nước Mỹ vào cuối Đông, ngọn lửa của tình quê hương mà Diên Hồng nhen nhúm được đã sưởi ấm trái tim tôi tưởng chừng đã bị đông đá trên vùng đất lạnh lẽo giá băng này.

Những ly rượu mừng được rót tràn đầy, món ăn ngày Tết được mang ra ân cần mời nhau. Những người Việt Nam sống trên đất khách quê người tạm quên đi những nỗi đắng cay ca kiếp tha hương, của đời viễn xứ; tạm quên đi những vất vả nhọc nhằn của bao tháng ngày “lao động mờ người” trả nợ áo cơm, nhà cửa, xe cộ…; tạm gác lại chuyện suy thoái kinh tế của quốc gia cường thịnh nhất thế giới!? Cùng cất cao tiếng hát mừng Xuân, cùng hướng lên bàn thờ tổ quốc để tưởng vọng tiền nhân và thầm hẹn với nhau một ngày về chung hưởng mùa Xuân vĩnh cửu trên quê hương đã sạch bóng quân thù.
Diên Hồng đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa, đem lại một chút hương Xuân cho những người Việt tha hương trong buổi đầu năm.

Lòng miên man nghĩ đến ngày trở lại quê hương, tôi bâng khuâng tự hỏi: không biết đến bao giờ, những “đỉnh cao trí tuệ” - con cháu “Bác” với “Đảng” - mới thoát ra khỏi cơn mộng du thảm hại đã đưa họ ngày càng đi xa loài người, đến gần loài… khỉ? (!) Bao giờ thì cơn phong ba đã bất thần đổ ập vào dải đất cong cong hình chữ S nằm êm ả, hiền hòa bên bờ Thái Bình Dương từ mười mấy năm qua sẽ chấm dứt và bao giờ thì tôi lại được cùng bao người vong quốc khác trở về vui Xuân, đón Tết trên chính quê hương thân yêu của mình?

Những mơ ước xa vời vẫn có khi biến thành sự thật. Có những ngày hôm nay là “điều vô lý” của hôm qua. Chế độ cộng sản đã tàn lụi trên chính nơi sinh ra nó trong một sớm một chiều và sự tồn tại của nó ở một vài nơi trên địa cầu thật sự là một điều “chướng tai gai mắt”! Lịch sử sẽ được viết tiếp bằng chính nghĩa chứ không bởi bạo tàn và loài người phải được sống trong hòa bình thay vì phải trải qua hàng nghìn cơn biến loạn.

Trong không khí lạnh lẽo của mấy ngày Xuân tha hương; nỗi xót xa quyện lẫn với niềm hạnh phúc khiến tôi bàng hoàng mơ đến một ngày bình yên thật sự đến với quê hương Việt Nam vô cùng mến yêu.

Boston, mùa Xuân năm Nhâm Thân, 1992
Bùi Thạch Trường Sơn

Back to content