THD2015 - DienHong

Go to content
Lễ Tưởng Niệm Đức Trần Hưng Đạo - 2015
Tiểu Sử Và Công Đức Của Đức Trần Hưng Đạo
t
Hưng Đạo Vương là một đệ nhất danh tướng, không những cuả Việt Nam mà còn cuả cả thế giới.Ngài đã được Viện Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc bầu với đa số phiếu tuyệt đối (100%) là nhà quân sự tài ba nhất trong lịch sử nhân loại. Thực vậy, với trí thông minh tuyệt vời, tài điều binh khiển tướng vô song và tấm lòng tận trung báo quốc, ngài đã ba lần đại thắng quân Mông Cổ, giữ vẹn bờ cõi nước Nam. Chúng ta biết rằng vào thế kỷ thứ mười ba, ở phiá bắc nước Tàu có bộ lạc Mông Cổ là một giống dân rất hiếu chiến.Người Mông cổ cỡi ngưạ, bắn tên không ai bì kịp. Họ lập những đội kỵ binh tức là lính cỡi ngưạ, xếp đặt hàng ngũ rất chỉnh tề, quân lính hết mực thiện chiến. Bởi vậy, từ một bộ lạc nhỏ bé, họ đã chinh phục được gần nưả thế giới, gồm toàn thể vùng Trung Á, đế quốc Ba Tư (tức là Iran ngày nay) và miền đông bắc Âu Châu, sau đó đánh đuổi nhà Tống mà chiếm trọn nước Tàu và các nuớc lân cận, thiết lập nhà Nguyên. Ai nghe tiếng quân Mông cổ cũng kinh hãi. Vào thời điểm đó, tại Việt Nam (lúc đó có tên là An Nam), Nhà Trần vưà dứt ngôi nhà Lý và thiết lập một triều đại mới. Với một chính quyền nhà Trần còn non trẻ như vậy, nhưng nước ta đã ba lần đại thắng quân Mông cổ, phá tan mộng xâm lăng cuả đạo quân từng được coi là bách chiến, bách thắng.

Cuộc xâm lăng thứ nhất cuả Mông Cổ diễn ra vào năm 1257 khi quân Mông cổ còn chưa chiếm xong nước Tàu. Chúng sai sứ bắt nước ta phải thần phục Mông Cổ nhưng Vua Trần Thái Tông không chịu mà còn bắt sứ giả cuả chúng giam lại. Quân Mông cổ sang đánh, vua sai Trần Quốc Tuấn (sau này là Hưng Đạo Vương) đem quân chống giữ. Quân ta thế yếu, lúc đầu thua, phải lui binh, để rồi đợi lúc quân Mông Cổ mỏi mệt thì tổng phản công, khiến quân Mông Cổ tan vỡ, tháo chạy về Tàu, đi đường không còn hung hăng cướp phá như trước, nên người Việt ta gọi chúng là giặc Bụt, tức là hiền như Bụt.

Sau khi chiếm trọn nước Tàu, Quân Mông Cổ, tức nhà Nguyên, lại càng muốn thôn tính Việt Nam. Chúng đã mấy lần đòi nước ta phải thần phục Mông cổ và vua ta phải sang chầu hoàng đế Mông Cổ ở Bắc Kinh nhưng vua ta nhất định không chịu hạ mình như vậy. Bởi thế quân Nguyên mới quyết định đánh chiếm nước ta. Năm 1284, Nguyên chủ sai con là Thoát Hoan dẫn năm muơi vạn quân, tức là môt nưả triệu nguời, tràn vào Việt Nam lấy cớ muợn đường sang đánh Chiêm Thành. Thế giặc quá mạnh, nhiều đại thần trong triều muốn hàng giặc nhưng Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân đi chống giặc, giữ nước, vua ưng cho. Vua còn hội các bô lão ở Điện Diên Hồng để hỏi ý kiến nên hoà hay nên chiến. Các bô lão đồng thanh xin quyết chiến.Thế là vua, quan, quân dân, nam phụ lão ấu cùng quyết lòng chống giặc.Lúc đầu quân Nguyên mạnh, quân ta yếu, thua rất nhiều trận, kinh đô Thăng Long thất thủ, vua phải lui về Thanh Hoá. 

Có lần chính vua Trần Nhân Tông, thấy giặc quá mạnh mà quân ta quá yếu, nên đã muốn hàng giặc cho dân khỏi khổ nhưng Hưng Đạo Vương tâu rằng: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng.” Vua nghe lời trung liệt như vậy, trong bụng mới yên, hết lòng tin cậy Hưng Đạo Vương…Thế rồi quân ta phản công thắng lợi, phá tan đạo quân cuả Toa Đô ở Hàm Tử Quan, phá tan thuỷ quân giặc ở trận Chương Dương rồi tiến lên đánh đuổi Thoát Hoan, khôi phục kinh đô Thăng Long. Trận Tây Kết chém đầu Toa Đô. Trận Vạn Kiếp đánh tan đại quân cuả Thoát Hoan trên đuờng rút lui. Hai tướng Nguyên là Lý Hằng, Lý Quán tử trận. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, đặt lên xe, bắt lính kéo chạy thục mạng mới thoát chết, trốn được về Tàu.

Năm 1287, Nguyên Chủ lại sai Thoát Hoan đem quân sang đánh báo thù. Vua sai Hưng Đạo Vương thống lãnh đại quân chống giặc. Lúc đầu thế giặc mạnh, vua phải bỏ kinh thành lánh vào Thanh Hoá, để rồi chỉ ít lâu sau, Hưng đạo Vương cùng các tướng lãnh phản công, cướp toàn bộ đoàn tàu chở lương thực và khí giới tiếp tế cuả quân Nguyên ở trận Vân Đồn. Thoát Hoan bèn quyết định lui binh về Tàu. Hưng Đạo Vương sai quân lấy cọc vót nhọn, bịt sắt đóng khắp một khúc sông Bạch Đằng, đợi khi nước lên thì tiến ra khiêu chiến, nhử cho thuyền quân Nguyên đi qua khúc sông đóng cọc mà quân Nguyên không biết gì cả vì nước ngập mênh mông. Đến khi nước rút, đại quân ta do chính Hưng Đạo Vương thống lãnh đổ ra đánh, quân Nguyên thua, rút chạy qua khúc sông đóng cọc, chiến thuyền bị cọc đâm thủng, đắm vỡ ngổn ngang, quân Nguyên chết như rạ. Các tướng Nguyên như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ, Cơ Ngọc đều bị quân ta bắt sống. Thoát Hoan nghe tin Thuỷ Quân tan vỡ bèn đem đại quân tháo chạy, bị quân ta đánh cho tan nát ở Ải Nội Bàng và Núi Kỳ Cấp. Các tướng Nguyên là Trương Quân, Trương Ngọc, A Bát Xích đều bị quân ta giết. Lính Nguyên mười phần chết đến 5, 6 phần.Chỉ còn tướng Trịnh bằng Phi hết lòng bảo vệ Thoát Hoan trốn được về Tàu.

Thế là đại quân Nguyên, ba lần xâm lăng nước ta, lần nào lúc mới sang cũng oai phong lừng lẫy, để rồi cuối cùng bị quân ta đánh cho tan nát, thua chạy nhục nhã. Ấy cũng là nhờ Hưng Đạo Vương, tài đức kiêm toàn, cầm quân vững chãi, lại khéo dùng lời khuyên nhủ, khích lệ tướng sĩ, khiến cho ai nấy đều thêm gan dạ, hết lòng hy sinh vì nước. Hơn nưã, nước Việt ta vào thời điểm đó, vua tôi hoà hợp. Vua thì nhân đức, hết lòng thương dân, chiêu hiền đãi sĩ, nên mọi người đều đem hết tâm can thờ vua giúp nước; bởi vậy dù nước nhỏ, ít dân nhưng vẫn bền lòng hy sinh chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng, giữ vẹn giang sơn gấm vóc cho con cháu muôn đời mai sau…Từ đó đến nay, trải qua hơn bảy thế kỷ, nước ta có khi yếu, khi mạnh, có khi bị quân xâm lăng tạm chiếm nhưng rồi anh hùng hào kiệt lại nổi lên dành lại bờ cõi, giữ vững không những đất nước mà cả tiếng nói, văn hoá, đạo đức và danh thơm cuả dân tộc Việt.

BOSTON PROCLAMATION
YouTube Buổi Lễ Tưởng Niệm Đức Trần Hưng Đạo
Back to content